Hiện sống ở California, Mỹ, Trần Thùy Mai về nước vào tháng 4 để dự các buổi giao lưu tác giả – tác phẩm, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Dịp này, nhà văn nói về việc sáng tác tiểu thuyết lịch sử.

– Từ nguồn cảm hứng nào chị viết “Từ Dụ thái hậu” và “Công chúa Đồng Xuân” khi sống ở Mỹ nhiều năm qua?

– Tôi ở Huế từ nhỏ, còn ở San Francisco mới sáu năm thôi. Lúc sang Mỹ, tôi bắt tay viết Từ Dụ Thái Hậu trong tâm thế được sống lại hình ảnh của quê hương Huế xưa.

Trước đó, tôi có tâm trạng khá tiêu cực về hoạt động sáng tác. Là người trong ngành xuất bản, tôi biết khá rõ sự suy thoái của văn hóa đọc, mà một trong những nguyên nhân lớn nhất là sự xuất hiện của các phương tiện nghe nhìn, nhất là của điện thoại thông minh. Người ta càng ngày càng có ít thời gian cho sách. Khi viết xong, nhìn bản thảo tiểu thuyết gần 1.000 trang dày cộp, tôi lo lắng không rõ có ai chịu bỏ thời gian đọc không.

Nhưng rồi tác phẩm ra đời được đón nhận, tái bản hai lần. Có nhiều bạn đọc viết lời cảm ơn tôi. Thật ra, chính tôi phải cảm ơn các bạn vì giúp tôi lấy lại được niềm tin về văn hóa đọc và cái nghề viết sách.

Từ niềm tin đó tôi quyết định viết tiếp ba mươi năm tiếp theo của triều Nguyễn. Nếu bộ Từ Dụ nói về người đàn bà vinh quang nhất của triều đại, bộ thứ hai nói về người đàn bà tủi nhục nhất. Hai người đàn bà ấy cũng là hình ảnh của hai giai đoạn: Thời thịnh và thời suy của triều Nguyễn.

Viết Từ Dụ, tôi buông mình theo cảm hứng, hoàn toàn thoải mái và có lúc hơi “phiêu” một chút vì nuông chiều sự tưởng tượng. Còn viết Đồng Xuân thì khó hơn, vì trong cuốn này tôi đưa ra một vài luận điểm mới nên rất cần phải hoàn toàn chính xác. Có lúc tôi thấy bế tắc giữa một “rừng tư liệu” với rất nhiều quan điểm trái ngược. Nhưng rồi chính trong “cái rừng rậm” ấy tôi tìm được một lối đi riêng sáng tỏ.

Xem Thêm:   Review Chuyện Tôi Và Ma Quỷ Thành Người Một Nhà: Phim hài kinh dị đáng xem nhất 2023
Bộ tác phẩm Từ Dụ Thái hậu của nhà văn Trần Thùy Mai đoạt giải Sách Hay 2020

Bộ tác phẩm “Từ Dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai đoạt giải Sách Hay 2020.

Quá trình tìm kiếm tư liệu, sử liệu cho hai bộ sách nói trên diễn ra thế nào?

– Hai bộ tiểu thuyết này hình thành từ ba nguồn: Chính sử triều Nguyễn, giai thoại dân gian, cùng suy luận của tác giả.

Chính sử triều Nguyễn, với nguồn chính là bộ Đại Nam Thực LụcĐại Nam Liệt truyện, cùng những bộ sách hỗ trợ: Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Hội điển sự lệ BAVH – tức là những bài báo đăng trên tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hue. Những bộ sách này tôi được tiếp cận trong hơn 15 năm, tức thời gian làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thuận Hóa.

Tác phẩm dân gian, thì như vè sử, chuyện kể, giai thoại dân gian tôi tiếp cận trong mười năm làm giảng viên môn văn học dân gian ở đại học Sư Phạm Huế. Trong đó, có hai bài vè sử quan trọng nhất là vè Thất thủ kinh đô và vè Đức Bà Từ Dụ xin thuế cho dân. Hai bài vè này, cùng với nhiều giai thoại dân gian, cho thấy hình tượng của hai nhân vật lịch sử là Từ Dụ Thái Hậu và Tôn Thất Thuyết. Với tiểu thuyết Công chúa Đồng Xuân, nhân vật làm tôi quan tâm nhất chính là Tôn Thất Thuyết.

Nhà văn Trần Thùy Mai nhận mình  là một người Việt xa xứ, mang theo gia tài lớn nhất là văn hóa Việt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhà văn Trần Thùy Mai ở Huế hôm 19/4. Tác giả nhận mình “là một người Việt xa xứ, mang theo gia tài lớn nhất là văn hóa Việt”. Ảnh: Phan Thành

– Chị có những chuyến đi thực tế nào, gặp gỡ những con người nào để tìm chất liệu, cảm hứng cho trang viết?

– Triều Nguyễn có lẽ là những trang vàng son nhất mà cũng ê chề bi thương nhất trong suốt dòng sử Việt. Đó là giai đoạn còn để lại nhiều dấu tích thực tế nhất.

Năm 2016 khi khởi bút viết Từ Dụ Thái hậu tôi đi thăm những di tích liên quan đến Bà: Xương lăng (lăng vua Thiệu Trị), Xương Thọ lăng (lăng Từ Dụ), Đền thờ Đức quốc công Phạm Đăng Hưng ở Kim Long, Hiếu Đông lăng (nơi an nghỉ của bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Thiệu Trị). Việc nhìn ngắm, đặt tay lên di tích, gợi cho tôi nhiều tưởng tượng và cảm hứng, đồng thời chứng thực những chi tiết trong sử sách.

Xem Thêm:   Đoan Trang ra bộ sưu tập thời trang mùa hè

Ví dụ, chính trong lần về thăm lăng mộ Phạm Đăng Hưng mà tôi xác thực được câu chuyện về tấm bia của ông bị quân Pháp cướp đi, làm vua Tự Đức vô cùng đau đớn và tủi hận. Một câu chuyện bên lề và khá bi hài, nói lên sự bất lực của quân đội nhà Nguyễn.

– Nhà văn Pháp Alexandre Dumas từng nói rằng: “Lịch sử là cái đinh trên đó treo bức tranh tác phẩm phản ánh hồn của thời đại”. Còn chị, điều gì ở thể loại này hấp dẫn chị?

– Có hai điều làm tôi yêu thích tiểu thuyết lịch sử. Thứ nhất, khi viết hay đọc một tiểu thuyết lịch sử, chúng ta có tâm thế hào hứng của một nhà du lịch. Ta du lịch về lại miền quá khứ. Trang sách kích thích trí tưởng tượng, và làm hiện lên những giấc mơ.

Thứ hai, tiểu thuyết lịch sử có thể giúp người ta có cơ hội trở thành những quan tòa trong tòa án lương tâm: Bằng quan niệm và trí suy luận của thời ta sống, ta có thể đem tới cho người đọc những lý giải mới, đánh giá mới về những việc trong quá khứ. Ví dụ, việc Đoàn Trưng nổi dậy, lật đổ Tự Đức, là một việc anh hùng, hay ngông cuồng? Đặng Như Mai và Trần Tấn dấy lên phong trào Bình Tây Sát Tả, đấy là công hay tội? Ngay đương thời, đã có sự đánh giá khác nhau. Với quan điểm của con người ngày nay, càng sẽ có những kiến giải khác.

– Sau hai cuốn tiểu thuyết lịch sử này, chị sẽ thử sức với đề tài nào?

– Vẫn là lịch sử và vẫn là Huế, nhưng nhất định sẽ khác, với một kiểu nhân vật hoàn toàn mới.

Chị luôn viết về những thân phận buồn của phụ nữ và tình yêu nhuốm màu sắc bi kịch. Chị có thể lý giải vì sao?

– Không phải là tôi chọn đề tài buồn, mà vì cuộc đời tuy có cả buồn vui, chỉ khi buồn đau con người mới cảm thấy cần đến văn chương hơn bao giờ hết. Sự xúc động, hay nước mắt, không mang ý nghĩa tiêu cực, mà là một phản ứng làm trong sạch tâm hồn. Giống như hình ảnh ngọc trai Mỵ Châu rửa trong nước giếng Trọng Thủy vậy, trong và đẹp.

Xem Thêm:   Sách tinh gọn nhiều tiềm năng phát triển

– Lần này về nước này, chị sẽ tham gia các hoạt động nào?

– Tôi về nước từ tháng 4 đến tháng 5, để theo một chương trình do Nhà xuất bản Phụ Nữ tổ chức, chủ đề Tìm về những di tích trong tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn. Chúng tôi sẽ thăm những di tích ở Huế và ở miền Nam, những nơi có liên quan đến cảnh và người trong truyện. Sẽ có ba điểm dừng là Huế, Sài Gòn, Tiền Giang và ba cuộc tọa đàm. Nhà xuất bản thực hiện các hoạt động này nhằm đón ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay.

Tôi rất vui vì sẽ có dịp trao đổi và tiếp xúc với nhiều bạn đọc, cũng như quen biết thêm nhiều bạn viết nghe tên đã lâu nhưng chưa được gặp.

Là một phụ nữ, nếu được chọn, chị sẽ chọn làm công chúa, hoàng hậu hay thái hậu?

Chắc chắn tôi sẽ chọn làm dân thường. Một người bình thường giản dị ở Huế, không bao giờ muốn “vô trong Nội” để sống cuộc đời khắc nghiệt đầy thử thách. Nhưng nếu có đôi khi tò mò, muốn được tận mắt nhìn thấy vàng son và bi thương trong cung điện, thì cũng có cách vào đó, qua những tưởng tượng thú vị khi viết và đọc tiểu thuyết lịch sử về triều Nguyễn.

Nhà văn Trần Thùy Mai sinh năm 1954, tại Hội An, Quảng Nam, quê quán ở làng An Ninh Thượng, xã Hương Long, huyện Hương Trà, nay là phường Hương Long, thành phố Huế. Gần 40 năm cầm bút, văn sĩ có hàng trăm truyện ngắn được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến, như: Gió thiên đường, Thập tự hoa, Quỷ trong trăng, Thương nhớ Hoàng Lan, Mưa đời sau, Người bán linh hồn, Trăng nơi đáy giếng, Thị trấn hoa quỳ vàng. Nhiều tác phẩm của chị được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Nhật. Chị cũng viết nhiều về đề tài và nhân vật lịch sử, nhất là nhân vật nữ trong lịch sử triều Nguyễn.

>> Xem thêm:

Trần Thùy Mai lặng lẽ với văn chương
Trần Thùy Mai và tình yêu cứu rỗi con người
Trần Thùy Mai: ‘Sự cô độc khiến tôi không yên ổn’

Hà Thanh Vânthực hiện

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/tran-thuy-mai-toi-tung-lo-khong-con-ai-doc-tieu-thuyet-lich-su-4594348.html

About The Author