* Bài viết tiết lộ nội dung phim

'Beef' - rắc rối từ sự nóng giận

 
 
‘Beef’ – rắc rối từ sự nóng giận

Phim “Beef” dán nhãn 18+, gồm 10 tập, do hãng A24sản xuất.

Loạt phim do Lee Sung Jin sáng tạo, lên sóng Netflix từ ngày 6/4. Tác phẩm gây sốt toàn cầu, được Telegraph đánh giá là “series hay nhất năm cho đến nay”.

Chuyện phim xoay quanh cuộc sống của hai người gốc Á Amy Lau (Ali Wong) và Danny Cho (Steven Yeun). Khi đang lùi xe trong bãi đỗ của siêu thị, Danny phát cáu vì bị Amy bóp còi, lập tức đuổi theo người kia nhằm trút bỏ cơn giận. Kế hoạch không thành, Danny tìm thông tin biển số xe, đến tận nhà Amy. Sau đó, cả hai liên tục trả đũa nhau bằng những tình huống dở khóc dở cười, khiến cuộc sống của họ lâm vào bi kịch.

Tác phẩm lấy cơn tức giận làm điểm khởi đầu, từ đó mở ra khoảng trống trong tâm hồn hai nhân vật chính.

Danny và Amy có hoàn cảnh trái ngược nhau, kẻ chật vật với nghề thầu xây dựng, người có công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc. Danny làm thuê để kiếm tiền đưa cha mẹ từ Hàn Quốc sang Mỹ, vừa lo cho cậu em Paul (Young Mazino) thất nghiệp. Anh từng nghĩ đến việc tự tử vì áp lực tiền bạc, cộng với nỗi lo gia đình. Khi bị một người lạ mặt bóp còi, sự bực tức của Danny nổi dậy. Nghĩ mình đã hả giận khi tìm được nhà Amy, anh không ngờ sai lầm nối tiếp sai lầm. Đỉnh điểm, Danny bêu xấu Amy tại buổi tọa đàm của cô.

Xem Thêm:   Những tác phẩm ra mắt Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Tưởng chừng Amy có cuộc sống viên mãn bên George cùng con gái June (Remy Holt), tuy nhiên cô cũng có bí mật riêng, sở thích cá nhân không thể chia sẻ. Vì mong muốn bán công ty để tập trung lo cho gia đình, cô phải kết thân với nhà đầu tư Maria Bello, tỏ ra mình là người am hiểu nghệ thuật.

Sự đối đầu giữa kẻ giàu và người nghèo làm nên tính hấp dẫn cho series. Phim đào sâu cách ứng xử của hai nhân vật với các mối quan hệ xung quanh. Quá khứ của họ cũng dần được gợi mở, giải thích lý do Amy và Danny mạo hiểm để trả thù.

Amy - Danny có cuộc sống khác nhau, tìm cách trả thù đối phương để nguôi ngoai cơn giận.

Amy – Danny có cuộc sống khác nhau, tìm cách trả thù đối phương để nguôi ngoai cơn giận.

Thông qua hình tượng thế hệ trẻ gốc Á lớn lên tại Mỹ như Amy hay Danny, êkíp bóc tách nhiều vấn đề như tính nam độc hại, khủng hoảng căn tính hay khác biệt thế hệ nhằm tăng chiều sâu cho tác phẩm. Dù sống ở đất nước khác hay bị ảnh hưởng nền văn hóa phương Tây, các nhân vật cũng không quên cội nguồn.

Biên kịch lý giải lối suy nghĩ của nhân vật chính hình thành từ thời thơ ấu, do ảnh hưởng cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Nỗi lo cơm áo làm cho Amy – Danny không có thời gian thấu hiểu bản thân và chữa lành sự vụn vỡ bên trong. Dần dà, họ vô tình lan tỏa sự độc hại trong tính cách, làm tổn thương những người xung quanh.

Xem Thêm:   Ra mắt sách 'Ông tướng tình báo bí ẩn'

Phim không đổ lỗi cho các bậc phụ huynh mà đưa ra những sự kiện giúp Amy – Danny cảm thông cho cha mẹ, những người nhập cư gốc Á chật vật với cuộc sống hiện đại. Trường đoạn Amy tìm về nhà cha mẹ ruột tìm sự an ủi gửi đi thông điệp gia đình là nơi để trở về.

Nghệ sĩ Hồng Đào (phải) trong một phân cảnh phim Beef.

Nghệ sĩ Hồng Đào (phải) trong một phân cảnh phim “Beef”.

Mỗi diễn viên đều cố gắng tạo điểm nhấn riêng trong tác phẩm. Steven Yeun chứng tỏ thực lực với vai Danny. Tài tử thể hiện nhiều cảm xúc qua biểu cảm gương mặt và giọng nói. Có lúc, Danny tỏ vẻ ngạo mạn, đắc thắng qua nụ cười khẩy khi trả đũa Amy. Trong một phân cảnh tại nhà thờ, nhân vật lại bật khóc thành tiếng khi nghe một bản nhạc của ca đoàn.

Ali Wong tạo thiện cảm cho khán giả với vẻ hài hước, duyên dáng trong vai một phụ nữ có gia đình. Đôi chỗ, nhân vật Amy bộc lộ sự ranh ma khi đối đầu Danny. Trước Beef, Ali nổi tiếng trong vai trò diễn viên hài độc thoại, nỗ lực hóa thân Amy giúp nghệ sĩ có thêm dấu ấn trong sự nghiệp.

Các diễn viên phụ hỗ trợ tối đa cho Ali và Steven tung tẩy. Thời lượng xuất hiện của Hồng Đào không nhiều nhưng vẫn để lại ấn tượng trong vai người mẹ hết lòng vì gia đình. Young Mazino trong vai Paul – em trai của Danny – mang vẻ bất cần, ham chơi của một thanh niên mới lớn, luôn sẵn sàng bảo vệ người anh.

Xem Thêm:   Đỗ Bảo: 'Tôi lánh xô bồ để lặng mình viết nhạc'

Âm nhạc trong phim góp phần dẫn dắt cảm xúc. Các bài hát đa phần thuộc thập niên 1990 và 2000 nhằm gợi lại giai đoạn tuổi trẻ của nhân vật chính, như Drive (nhóm Incubus), Self Esteem (nhóm The Offspring), All Is Full of Love (nhóm Björk)… Tập cuối kết thúc bằng bài hát Mayonaise của nhóm The Smashing Pumpkins.

'Beef' - rắc rối từ sự nóng giận

 
 
‘Beef’ – rắc rối từ sự nóng giận

Phân đoạn diễn viên Steven Yeun hát bài “Amazing Grace” của nhóm Il Divo trong tập bảy “I Am a Cage”.

Thời lượng mỗi tập từ 30 đến 40 phút giúp đội ngũ biên tập tránh được sự dài dòng, lan man. Theo CNN, sự nghiệp của nhà sáng tạo Lee Sung Jin vốn gắn liền các dự án sitcom nên anh phát huy được kinh nghiệm dẫn dắt nhịp điệu trong khoảng thời gian ngắn.

Tác phẩm nhận về nhiều lời khen từ các nhà phê bình. Hollywood Reporter đánh giá: “Loạt phim nhấn mạnh vào những phần thiếu sót trong tính cách của các nhân vật, khiến khán giả thông cảm cho nỗi tuyệt vọng của họ”. Tạp chí Time nhận định phim có sự trau chuốt trong chỉ đạo nghệ thuật và thiết kế sản xuất.

Theo Variety, Netflix và nhóm sáng tạo Beef gửi tác phẩm tranh Emmy 2023 – giải uy tín nhất trong lĩnh vực truyền hình của Mỹ – ở hạng mục loạt phim giới hạn hoặc tuyển tập.

Quế Chi
Ảnh, video: Netflix

Nguồn Bài Viết: https://vnexpress.net/giai-tri/phim/thu-vien-phim/beef-584

About The Author